Kỹ thuật máy tính là một ngành khá mới, với những thông tin sau đây hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn trẻ trên hành trình chọn ngành học phù hợp với bản thân.
Nội dung chính
Khái niệm
Ngành Kỹ thuật máy tính (Computer Engineering) là ngành học có sự kết hợp giữa khối kiến thức Điện tử và khối kiến thức Công nghệ thông tin, tập trung nghiên cứu cách xây dựng và phát triển thiết bị cùng với đó là các phần mềm phục vụ cho sự hoạt động của các thiết bị phần cứng đó. Đây là ngành liên quan chặt chẽ đến vật lý, kỹ thuật điện và khoa học máy tính. Kỹ sư máy tính cần giải quyết các vấn đề giữa phần cứng và phần mềm, từ thiết kế các mạch điện tử đơn giản đến thiết kế vi xử lý, máy tính cá nhân và cả các siêu máy tính, đặc biệt là thiết kế các hệ thống nhúng dùng trong hầu hết các thiết bị điện – điện tử.
Sinh viên ngành Kỹ thuật máy tính được đào tạo gì
Chương trình đào tạo ngành này cung cấp những kiến thức cơ bản về toán học, vật lý, điện tử số, cơ sở dữ liệu và thuật toán, hệ thống thông tin. Đồng thời kết hợp kiến thức chuyên ngành về cơ chế kết nối, hạ tầng, điều khiển, vận hành hệ thống máy tính và mạng truyền dữ liệu. Cụ thể như sau:
- Kiến thức nền tảng cũng như chuyên sâu về công nghệ thông tin nói chung và kỹ thuật máy tính nói riêng.
- Kỹ năng thiết kế, xây dựng hệ thống phần cứng và phần mềm trong các lĩnh vực: điện tử, thiết kế vi mạch, hệ thống nhúng, robot, điều khiển tự động…
- Kỹ năng lập trình trên thiết bị di động, tablet, máy tính, các hệ thống nhúng.
- Năng lực
- Kinh nghiệm làm việc trong môi trường thực tế thông qua 2 kỳ thực tập tại các doanh nghiệp, công ty hàng đầu trong lĩnh vực máy tính, vi mạch.
Với chương trình đào tạo trên, các bạn trẻ tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật máy tính sẽ có năng lực phát hiện và giải quyết các bài toán về xây dựng, triển khai phần cứng lẫn phần mềm của hệ thống máy tính ở các quy mô khác nhau.
Tố chất cần thiết để trở thành Kỹ thuật viên máy tính
- Có niềm đam mê với công nghệ, máy tính, phần mềm.
- Tư duy logic, kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt.
- Ham học hỏi, cập nhật xu hướng.
- Có thể làm việc lâu dài với máy móc.
- Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả.
- Có trình độ ngoại ngữ.
Công việc tương lai của ngành Kỹ thuật máy tính
- Lập trình viên: hệ thống, các phần mềm nhúng trên thiết bị di động, vi xử lý…
- Kỹ sư thiết kế mạch điện – điện tử, vi mạch, chip
- Kỹ sư lắp đặt, quản lý và vận hành các hệ thống máy tính
- Nhân viên kiểm thử ứng dụng, phần mềm nhúng
- Nghiên cứu và giảng dạy tại các Viện nghiên cứu về CNTT, khoa học máy tính…