Máy tính là gì?
Máy tính là một thiết bị điện tử có thể điều khiển thông tin hoặc dữ liệu. Cụ thể, nó có khả năng lưu trữ, truy xuất và xử lý dữ liệu. Ví dụ, bạn có thể sử dụng máy tính để thực hiện những tác vụ từ cơ bản như nhập tài liệu, gửi email, chơi trò chơi và duyệt web… đến nâng cao hơn như chỉnh sửa văn bản, lập trình, hay quản lý các thiết bị khác…
Phần cứng và phần mềm
Trước khi đi sâu vào tim hiểu các loại máy tính khác nhau, chúng ta hãy cùng nói về hai thứ mà tất cả các máy tính về cơ bản đều phải có, đó là phần cứng và phần mềm.
Phần cứng (hardware) là bất kỳ bộ phận nào của máy tính có kết cấu vật lý, nghĩa là bạn có thể cầm, nắm, hay sờ vào các bộ phận nầy, chẳng hạn như bàn phím hoặc chuột. Nó cũng bao gồm tất cả các bộ phận bên trong của máy tính. Tổng kết lại, có thể liệt kê những thành phần phần cứng phổ biến của một máy tính hoặc hệ thống máy tính như sau: Màn hình, chuột, bàn phím, máy in, máy quét, vỏ máy tính, bộ nguồn, bộ vi xử lý CPU, bo mạch chủ, các loại dây nối, loa, ổ đĩa mềm, ổ đĩa cứng, ổ CDROM, ổ DVD, card đồ họa VGA, card wifi, card âm thanh, bộ phận tản nhiệt Cooler.
Phần mềm (Software) là một tập hợp những câu lệnh hoặc chỉ thị (Instruction) được viết bằng một hoặc nhiều ngôn ngữ lập trình theo một trật tự xác định, và các dữ liệu hay tài liệu liên quan nhằm tự động thực hiện một số nhiệm vụ hay chức năng hoặc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Phần mềm thực hiện các chức năng của nó bằng cách gửi các chỉ thị trực tiếp đến phần cứng (hay phần cứng máy tính, Computer Hardware) hoặc bằng cách cung cấp dữ liệu để phục vụ các chương trình hay phần mềm khác. Phần mềm là một khái niệm trừu tượng, nó khác với phần cứng ở chỗ là “phần mềm không thể sờ hay đụng vào”, và nó cần phải có phần cứng mới có thể thực thi được. Các phần mềm phổ biến có thể kể đến là trình duyệt web, trò chơi và bộ xử lý văn bản. Dưới đây, bạn có thể thấy một hình ảnh về Microsoft PowerPoint, một phần được sử dụng để tạo bản trình chiếu.
Mọi tác vụ bạn thực hiện trên máy tính của mình đều sẽ phải dựa trên sự kết hợp giữa cả phần cứng và phần mềm. Ví dụ, ngay bây giờ bạn có thể xem bài viết này trong một trình duyệt web (phần mềm) và sử dụng chuột (phần cứng) của bạn để bấm từ trang này sang trang khác. Khi bạn tìm hiểu về các loại máy tính khác nhau, hãy tự hỏi mình về sự khác biệt trong phần cứng của chúng. Thông qua hướng dẫn này, bạn sẽ thấy rằng các loại máy tính khác nhau cũng thường sử dụng các loại phần mềm khác nhau.
Có những loại máy tính nào?
Khi hầu hết mọi người nghe thấy từ máy tính, họ thường nghĩ về một máy tính cá nhân như máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay. Tuy nhiên, máy tính cũng có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, và chúng được sinh ra để thực hiện nhiều chức năng khác nhau trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Khi bạn rút tiền mặt từ máy ATM, quẹt thẻ tại cửa hàng tạp hóa tại cửa hàng hoặc lướt web trên máy tính bảng cũng có nghĩa là bạn đang sử dụng một loại máy tính.
Máy tính để bàn (desktop)
Đa số chúng ta thường sử dụng máy tính để bàn tại nơi làm việc, nhà riêng và trường học. Máy tính để bàn được thiết kế để đặt trên bàn làm việc và chúng thường được cấu thành từ một vài phần khác nhau, bao gồm vỏ máy tính, bo mạch chủ, bộ nguồn, ổ cứng, màn hình, bàn phím và chuột.
Máy tính xách tay (laptop)
Loại máy tính thứ hai mà bạn có thể cũng thấy quen thuộc là máy tính xách tay, thường được gọi tắt là laptop. Máy tính xách tay là các máy tính chạy bằng pin có khả năng di động cao hơn rất nhiều so với máy tính để bàn, cho phép bạn sử dụng chúng hầu như ở bất kỳ đâu, vào bất cứ thời điểm nào.
Máy tính bảng
Máy tính bảng hay còn được gọi tắt là tablet, là các máy tính cầm tay có tính di động thậm chí còn cao hơn cả máy tính xách tay. Thay vì sử dụng bàn phím và chuột làm bộ phận đầu vào, máy tính bảng sử dụng màn hình cảm ứng để đóng vai trò làm thiết bị đầu cuối. iPad là một ví dụ điển hình về máy tính bảng.
Máy chủ
Máy chủ là máy tính có sức mạnh cực lớn, có vai trò cung cấp thông tin hoặc quản lý các máy tính khác trên một hệ thống mạng. Ví dụ, bất cứ khi nào bạn sử dụng Internet, trang web mà bạn đang đọc chính là một thông tin được lưu trữ trên một máy chủ. Nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng các máy chủ cục bộ để lưu trữ và chia sẻ các file tài liệu trong hệ thống mạng nội bộ của họ.
Các loại máy tính khác
Nhiều thiết bị điện tử ngày nay tuy được gọi với nhiều cái tên khác nhau nhưng về cơ bản chúng vẫn là các máy tính chuyên dụng, mặc dù chúng ta thường không nghĩ về chúng theo cách đó. Dưới đây là một vài ví dụ phổ biến.
Điện thoại thông minh (smartphone): Nhiều điện thoại di động ngày nay có thể thực hiện rất nhiều tác vụ mà một máy tính truyền thống có thể thực hiện, chẳng hạn như duyệt Internet và chơi trò chơi. Chúng thường được gọi là những chiếc điện thoại thông minh.
Thiết bị đeo thông minh: Công nghệ đeo (wearable technology) được coi là thuật ngữ chung cho một nhóm thiết bị đeo thông minh, bao gồm các thiết bị theo dõi tập thể dục và đồng hồ thông minh. Chúng được thiết kế để có thể đeo được suốt cả ngày. Các thiết bị này thường được gọi ngắn gọn là wearables.
Bảng điều khiển trò chơi (game console): Máy chơi game là loại máy tính chuyên dùng để chơi các trò chơi điện tử trên TV của bạn. Xbox 360 hay Playstation 4 là những ví dụ về các thiết bị game console.
TV: Nhiều chiếc smart TV hiện nay có khả năng lưu trữ và mở các ứng dụng, cho phép bạn truy cập vào nhiều loại nội dung trực tuyến khác nhau. Ví dụ: bạn có thể xem một video trên Internet trực tiếp với TV của mình.
PC và Mac
Máy tính cá nhân có hai kiểu chính đó là PC và Mac. Cả hai đều có đầy đủ các chức năng từ cơ bản đến nâng cao, nhưng chúng có giao diện khác nhau và nhiều người thích cái này hay cái kia.
PC
Ông tổ của loại máy tính này chính là những cỗ máy của IBM được giới thiệu lần đầu vào năm 1981. Các công ty khác bắt đầu tạo ra các máy tính tương tự, được gọi là IBM PC Compatible (thường được rút ngắn xuống PC). Ngày nay, đây là loại máy tính cá nhân phổ biến nhất và thường bao gồm hệ điều hành Microsoft Windows.
Mac
Máy tính Mac (Macintosh) được ra mắt lần đầu vào năm 1984, và nó là máy tính cá nhân được bán rộng rãi đầu tiên với giao diện người dùng đồ họa, hay còn gọi là GUI (phát âm là gooey). Tất cả các máy Mac đều được sản xuất bởi một công ty (Apple), và chúng hầu như luôn sử dụng hệ điều hành Mac OS X.