Châu Âu trong cơn khát chip thông qua đạo luật 49 tỷ USD

Ủy ban châu Âu thông qua Đạo luật chip với khoản tài trợ trị giá 49 tỷ USD nhằm giải quyết cơn khát chip của khu vực và toàn cầu.

Mục tiêu của EU là tăng gấp đôi thị phần sản xuất chip toàn cầu của châu lục này, từ 9% lên 20% vào năm 2030. Theo The Verge, đây là cuộc đặt cược dài hạn nhằm định hình lại thị trường chip toàn cầu của châu Âu.

Trong nhiều năm, châu Âu muốn nâng cao vai trò của mình trong việc phát triển và chế tạo chip bán dẫn. Năm 2013, EU đề xuất một chương trình tài trợ trị giá 100 tỷ euro mới mục tiêu tương tự nhưng bị trì hoãn. Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu do Covid-19 gây ra khiến kế hoạch này càng trở nên quan trọng hơn.

Ursula von der Leyen, Chủ tịch EU, cho biết: “Tất cả đều biết tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã thực sự làm chậm quá trình phục hồi của châu Âu. Toàn bộ dây chuyền sản xuất đã đi vào bế tắc trong khi nhu cầu ngày càng tăng. Chúng tôi không thể giao hàng theo đơn đặt hàng vì thiếu chip. Vì vậy, Đạo luật chip châu Âu được thông qua lúc này hoàn toàn thích hợp”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu về Đạo luật chip châu Âu tại Brussels, Bỉ vào ngày 8/2/2022. Ảnh: Virginia Mayo

Bà Ursula von der Leyen phát biểu về “Đạo luật chip châu Âu” tại Brussels, Bỉ ngày 8/2. Ảnh: Reuters

EU không phải khu vực duy nhất nhận ra vai trò của ngành công nghiệp chip với tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Tuần trước, Hạ viện Mỹ cũng thông qua Đạo luật cạnh tranh, trong đó tài trợ 52 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn.

So với Mỹ, nguồn tài trợ của châu Âu vẫn ít hơn. Ngoài ra, EU cũng gặp khó trong việc thu hút các nhà sản xuất chip lớn trên thế giới. Hiện công ty Đài Loan TSMC thống trị ngành bán dẫn, tạo ra hơn một nửa doanh thu toàn cầu. Dù đã có thông tin về việc TSMC xem xét thành lập một chi nhánh tại Đức, chưa có khoản đầu tư cụ thể nào được công bố. Trong khi đó, công ty này đã xác nhận đang xây dựng nhà máy mới ở Nhật Bản và Mỹ.

Theo các chuyên gia, bất kỳ kế hoạch nào nhằm thúc đẩy sản lượng chip cũng sẽ không làm giảm bớt sự gián đoạn nguồn cung hiện tại, ít nhất đến cuối năm nay. Tuy nhiên, vấn đề “chủ quyền kỹ thuật số” sẽ là mối quan tâm hàng đầu của các cường quốc kinh tế trong nhiều thập kỷ tới.

“Cần phải nói rõ ràng rằng không một quốc gia nào, thậm chí không một lục địa nào có thể hoàn toàn tự cung tự cấp. Điều này là không thể. Châu Âu sẽ luôn nỗ lực giữ cho các thị trường toàn cầu luôn mở và kết nối với nhau. Điều này là lợi ích của thế giới, cũng vì lợi ích của chúng tôi. Nhưng những gì chúng tôi cần giải quyết là tháo những nút thắt đang làm chậm sự phát triển của châu Âu”, Ursula von der Leyen nói.

Khương Nha (theo The Verge)

Chia sẻ cho bạn bè cùng đọc